Sinh con ra, cha mẹ nào cũng kỳ vọng lớn lên con bình an, có kỹ năng sống tốt, và hạnh phúc. Có rất nhiều phương pháp chăm sóc và nuôi dạy con của các bậc cha mẹ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Cha mẹ có thể tham khảo và chắt lọc để nuôi dạy trẻ.

Phương pháp nuôi con kiểu Do Thái

Người Do Thái quan điểm “Trời sinh ra ta, ắt hữu dụng”, ai cũng có khả năng làm việc gì đó, không có kẻ bất tài vô dụng.  Phương pháp giáo dục kiểu Do Thái coi trọng sự phát triển trí tuệ, bồi dưỡng khả năng thiên phú cho con và cho rằng trẻ từ 0-6 tuổi là thời kỳ đại não phát triển nhanh nhất, trẻ tiếp thu kiến thức nhanh nhất, nên cần giáo dục sớm để phát triển tiềm năng cho con, đặt nền tảng vững chắc cho thành công sau này của con.  Người Do Thái yêu thích đọc sách nên khuyến khích sự chú ý, giúp trẻ biết đặt câu hỏi để học được nhiều cái mới. Trẻ được học ngoại ngữ và Kinh Thánh từ nhỏ.

Họ giáo dục con biết quản lý tài chính từ sớm: 3 tuổi nhận biết được tiền và 5 tuổi biết kiếm tiền. Trẻ phải biết tự lập, tự cường, không sợ thất bại, được dạy lao động từ sớm. Chúng cũng được dạy giao lưu thân thiện với mọi người.

Phương pháp nuôi con kiểu Nhật

Người Nhật không có ý định nuôi dạy những đứa trẻ trở thành thiên tài hay thần đồng, mà họ tập trung vào việc giúp con có một nền tảng sức khỏe, trí tuệ và nhân cách vững chắc về sức khỏe, trí tuệ, và nhân cách để sau này khi lớn lên, con trở thành những người lớn độc lập và có ích cho xã hội.

Cha mẹ Nhật vỗ về, yêu thương con, nhưng không phải trẻ muốn gì là có cái đó. Họ tôn trọng sở thích, ghi nhận những ưu điểm đang có của con. Đứa trẻ nào cũng có ưu điểm riêng, bố mẹ nhạy cảm sẽ nhận ra được một đứa trẻ học chưa tốt nhưng lại có lòng nhân hậu, một đứa trẻ chậm chạp nhưng lại rất cẩn thận. Khi được khen ngợi trẻ sẽ tự tin hơn.

Người Nhật tập trung rất nhiều vào việc dạy cho trẻ các kỹ năng độc lập như tự ăn cơm, tự mặc quần áo, tự vệ sinh cá nhân, tự đi học và tự đi mua sắm khi được mẹ nhờ vả. Họ cũng rất chú trọng việc phát triển nhân cách của trẻ như phải tôn trọng người khác, trung thực, dũng cảm và biết tự chịu trách nhiệm. Quan điểm nuôi dạy con của người Nhật là yêu thương nhưng không nuông chiều và có giới hạn rõ ràng, cụ thể. Người Nhật không dùng đòn roi và ít áp dụng các hình phạt tước quyền lợi khi trẻ làm sai, họ thường nói lý lẽ cho con hiểu và để con tự học bài học về hành động của mình.

Phương pháp nuôi con kiểu Mỹ

Người Mỹ giúp con độc lập, dũng cảm bằng cách cho bé ngủ một mình, ngã phải tự đứng lên, muốn làm gì phải dựa vào chính mình. Trẻ được tạo điều kiện phát triển khả năng sáng tạo: Có thể tự làm đồ chơi, khi hư thì tự sửa.

Bên cạnh việc dạy trẻ phát triển tính tự lập, người Mỹ rất chú trọng vào việc áp dụng kỷ luât và phát triển nhân cách của trẻ. Họ đặt ra những giới hạn rõ ràng, cụ thể và đưa ra những hậu quả cho những hành động sai trái của trẻ. Trẻ em Mỹ được người lớn tôn trọng, nhưng trẻ cũng cần phải ứng xử theo những chuẩn mực kỷ luật nhất định. Khi trẻ phạm lỗi trẻ sẽ bị phạt bằng cách phải tự suy ngẫm trong phòng (timeout), cắt giảm quyền lợi phù hợp (như giảm giờ chơi, không được chơi đồ chơi, không được xem tivi. Người mẹ không sử dụng những lời quát mắng, đánh đòn, đe dọa để giáo dục trẻ, họ cũng tránh giải thích dài dòng mà thường để trẻ học bài học thông qua những hậu quả phù hợp và những lời nhắc nhở nhắn gọn.

Phương pháp nuôi con kiểu Pháp

Không phải lúc nào cũng chiều theo ý trẻ, không đáp ứng ngay yêu cầu của con. “Chờ đã” và “không” là câu nói nơi cửa miệng của cha mẹ.

Cha mẹ Pháp rất tôn trọng con, “hãy để bé sống cuộc đời của nó”. Cha mẹ thiết lập những giới hạn nhưng để chúng có quyền tự do quyết định, như việc chọn bạn, thời gian đi chơi.

Phương pháp nuôi con kiểu Glenn Doman

Glenn Doman khuyến khích cha mẹ trực tiếp dạy con bằng cách nói chuyện, chơi với trẻ. Chúng được học thông qua trò chơi, chơi mà học, học mà chơi. Phương pháp này đang được đề cao trên toàn thế giới.

Tạm kết

Dù là nuôi dạy con theo phương pháp nào, cha mẹ đều mong muốn giúp trẻ trở thành em bé tự tin, độc lập, có ý thức, và phát huye được tiềm năng trí tuệ tối đa của mình. Do đó, thay vì việc quá tập trung và đeo đuổi một phương pháp cụ thể, cha mẹ hãy dựa vào lối sống và văn hóa ứng xử của gia đình và môi trường sống xung quanh bé và đặc biệt là dựa vào tính cách của trẻ để có phương pháp giáo dục trẻ cho phù hợp.

  • Khuyến khích con tự lập từ nhỏ và dạy con các kỹ năng tự chăm sóc bản thân
  • Thiết lập kỷ luật cho trẻ thông qua những giới hạn vững chắc, rõ ràng và khi trẻ làm sai, hãy áp dụng những hậu quả hợp lý
  • Cho trẻ cơ hội được khám phá thế giới xung quanh bằng tất cả các giác quan
  • Làm gương cho trẻ để trẻ có thể cư xử kiên nhẫn, bình tĩnh, văn minh và tích cực
  • Nuôi dưỡng tình yêu đọc sách của trẻ
  • Có thái độ tôn trọng và tin tưởng vào khả năng của trẻ
  • Không quát mắng khi trẻ làm sai, không đánh trẻ hay sử dụng những từ ngữ hạ thấp, thiếu tin tưởng vào khả năng của trẻ
  • Dành nhiều thời gian tích cực bên con. Hạn chế tối đa việc cho trẻ xem tivi và ipad.

 

Leave a Comment

Developed by Tiepthitute
Chat với chúng tôi qua Zalo
Developed by Tiepthitute