1. Chế độ dinh dưỡng của mẹ ảnh hưởng tới sức khỏe bé như thế nào?
Trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ, chế độ dinh dưỡng của người mẹ có ảnh hưởng rõ rệt tới sức khỏe của bé. Cụ thể, thành phần sữa mẹ nói chung là tương đối hằng định ở các bà mẹ và nguồn năng lượng dự trữ của người mẹ luôn được huy động để sản xuất sữa khi cần. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cũng khẳng định chế độ dinh dưỡng của người mẹ có ảnh hưởng nhất định tới một số vi chất dinh dưỡng cũng như lượng sữa tiết ra.
Nếu chế độ ăn của người mẹ thiếu vitamin (đặc biệt là vitamin A, D và B1,…) thì sữa mẹ cũng sẽ thiếu các vitamin này. Bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu có thể bị thiếu vitamin nếu sữa mẹ không cung cấp đủ nhu cầu vitamin của cơ thể trẻ.
Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu, lượng kháng thể của con được mẹ cung cấp trực tiếp qua sữa mẹ. Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học cho mẹ chính là cách phòng bệnh tốt nhất cho bé. Trẻ bú mẹ ít mắc các bệnh tiêu chảy, viêm phổi và một số bệnh khác so với trẻ không bú mẹ. Trẻ được nuôi dưỡng đầy đủ bằng nguồn sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời sẽ phát triển toàn diện cả về trí lực và thể lực, có sức đề kháng tốt, ít mắc bệnh nhiễm trùng, khi lớn lên ít mắc các bệnh mạn tính không lây.
2. Chế độ ăn của người mẹ khi đang cho con bú
Để có một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học, người mẹ đang cho con bú cần phải chú ý tới các loại thực phẩm nên bổ sung và hạn chế dưới đây:
2.1 Người mẹ đang cho con bú nên ăn gì?
Năng lượng: cần thêm năng lượng trong chế độ ăn của người mẹ vì khi cho con bú, nhu cầu năng lượng và dưỡng chất của cơ thể nhiều hơn để giúp bé tăng trưởng và phát triển tốt, đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất bé sẽ nhận được qua sữa mẹ. Theo đó, mẹ đang nuôi con bú cần cung cấp thêm 500 Kcal năng lượng mỗi ngày so với nhu cầu thông thường. Nguồn năng lượng này giúp người mẹ sản xuất được khoảng 750ml sữa mỗi ngày cho bé. Một ly sữa dành cho bà bầu có khoảng 150 kcl, 100g thịt bò bít-tết có khoảng 190 kcal, 1 quả trứng có khoảng 70 kcal. Để bổ sung thêm năng lượng ngoài 3 bữa chính mẹ sữa có thể ăn thêm 2 bữa dặm bằng bánh ngọt, chè đậu, trứng luộc, sữa …
Protein: người mẹ cần ăn đạm nhiều hơn bình thường. Lượng chất đạm cần được cung cấp đầy đủ trong thời kỳ cho con bú là trên 28g/ngày (tương đương 100g thịt bò, 4 quả trứng hoặc 120g ức gà,…) Bà mẹ cho con bú có thể ăn tất cả các món đạm thông thường như cá chiên, thịt luộc, thịt nướng, thịt xào,.. không nên kiêng khem nhiều quá sẽ làm lượng sữa giảm.
Chất béo: các chất béo như DHA, ARA rất quan trọng cho sự phát triển trí não và thị lực của bé, nhưng không cần ăn quá nhiều chất béo mà cần lựa chọn chất béo có ích cho bé. Vì vậy, người mẹ cần bổ sung thêm thực phẩm giàu DHA và ARA như các loại hạt, trái bơ, cá biển (cá hồi, cá trích), thịt gà, lòng đỏ trứng gà,… vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày.
Vitamin và khoáng chất: chế độ dinh dưỡng của mẹ cho con bú cần đảm bảo có đủ lượng trái cây và rau củ cần thiết để cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất cho bé.
Sắt: việc sinh nở khiến người phụ nữ mất một lượng máu lớn, dẫn đến hiện tượng thiếu máu, thiếu sắt. Vì vậy, người mẹ sau khi sinh và cho con bú cần bổ sung sắt trong chế độ ăn hàng ngày. Sắt có nguồn gốc động vật có trong gan, thịt bò, thịt gà, hải sản vỏ cứng, trứng,… Sắt có nguồn gốc thực vật có trong đậu phụ, các loại đậu, rau sẫm màu như cải bó xôi, bông cải xanh, rau cải ngọt,…
Canxi: uống thêm sữa và dùng thêm các chế phẩm từ sữa như bơ, phomai,… để bổ sung đủ lượng canxi cho bé và nhu cầu của cơ thể mẹ.
Nước: uống nhiều nước cũng giúp tăng lượng sữa mẹ, người mẹ đang nuôi con bú nên uống ít nhất 3 lít nước mỗi ngày. Ngoài nước lọc, mẹ nên uống thêm nước trái cây và ăn thêm nhiều trái cây mọng nước (táo, cam, dưa hấu..) Người mẹ có thể tập thói quen cứ mỗi khi cho bú và sau khi cho bú thì uống 1 ly nước.
2.2 Người mẹ cho con bú không nên ăn gì?
Chế độ ăn cho mẹ khi đang cho con bú
Người mẹ cho con bú nên ăn gì
Thận trọng với thực phẩm có thể gây khó tiêu như hành, cải bắp, trứng tôm, trứng cá, gia vị cay,…
Tránh thức ăn dễ ôi thiu và có thể gây ngộ độc như thịt, trứng, hải sản sống,…
Hạn chế uống cà phê hoặc trà. Một số trẻ nhỏ rất nhạy cảm với cafein, trở nên cáu kỉnh hoặc khó ngủ vì bú sữa mẹ có thành phần cafein.
Hạn chế ăn những loại cá chứa nhiều thủy ngân như cá ngừ, cá mập, cá kiếm,… vì thủy ngân có thể đi vào sữa mẹ, gây hưởng đến sự phát triển thần kinh của bé.
3. Một số lưu ý về chế độ dinh dưỡng của mẹ đang cho con bú
Tránh xa thuốc lá và rượu bia: nếu người mẹ uống rượu, rượu sẽ đi vào cơ thể bé thông qua sữa mẹ và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới trí lực và thể lực của bé.
Cẩn trọng với một số loại thuốc, chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ vì một số loại thuốc có thể đi vào sữa.
Không nên ăn kiêng khắt khe trong thời gian cho bé bú với mục đích giảm cân vì việc này có thể dẫn đến phóng thích những chất có hại được chứa trong chất béo cơ thể vào sữa mẹ, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của bé.
Mùi vị của sữa mẹ sẽ phụ thuộc vào các loại thực phẩm người mẹ ăn hằng ngày. Vì vậy, người mẹ nên ăn đa dạng thực phẩm để chuẩn bị cho bé quen với các loại mùi đồ ăn trước khi bắt đầu thời kỳ ăn dặm.
Theo dõi phản ứng của bé sau khi ăn một số loại thực phẩm nào đó vì chúng có thể khiến bé bị dị ứng với những biểu hiện như không bú tốt, không tăng cân đều, khó tiêu, tiêu chảy, nổi mẩn đỏ (quanh miệng, má, nếp gấp tay chân,…), sưng mắt, môi hay mặt, nôn trớ, chảy nước mũi,… Mỗi bé có thể nhạy cảm với những loại thực phẩm khác nhau. Những thực phẩm dễ gây dị ứng gồm thịt bò, sữa bò, trứng, động vật có vỏ cứng như sò, tôm, cua,…
Sau 6 tháng tránh thai tự nhiên bằng cách cho con bú, phụ nữ có thể sử dụng một biện pháp tránh thai, nhưng không nên sử dụng thuốc uống tránh thai có Estrogen. Thay vào đó, người mẹ có thể sử dụng thuốc có Progestogen vì không ảnh hưởng tới quá trình tạo sữa.
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, do đó mẹ nên cố gắng để duy trì nguồn sữa bằng cách cho bé bú đúng cách, bổ sung dinh dưỡng, tránh lo lắng, stress… để đảm bảo nguồn sữa giàu dinh dưỡng cho con yêu.