Bữa ăn phụ rất quan trọng với trẻ. Bữa ăn phụ chính là trợ thủ đắc lực để các mẹ có thể tăng cường dinh dưỡng cho con, đặc biệt là những trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm cân. Trẻ bao nhiêu tháng nên cho ăn bữa phụ, thực đơn thế nào và thời gian ăn ra sao… là những thắc mắc thường gặp ở nhiều bà mẹ.
Có nhiều ý kiến cho rằng, trong nhiều trường hợp, vai trò của bữa ăn phụ còm quan trọng hơn bữa ăn chính của trẻ.
Tuy nhiên, dung tích bao tử của trẻ rất bé, không thể nạp được nhu cầu thức ăn lớn nên việc chia nhỏ bữa lớn thành các bữa ăn nhỏ bao gồm bữa chính và bữa phụ sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của trẻ. Dưới đây là lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng.
Trẻ bao nhiêu tháng nên bổ sung bữa ăn phụ?
Từ 7 tháng trở đi, các mẹ có thể bổ sung cho trẻ bữa phụ gồm hoa quả, sữa chua, phô mai… Bữa ăn phụ tùy thuộc vào số lượng và từng lứa tuổi của trẻ, chứ không phải bữa ăn phụ là ăn đầy đủ, yêu cầu quá cầu kỳ. Trẻ đủ cân nặng vẫn nên có bữa phụ vì tuổi này cần bổ sung vitamin, chất khoáng từ củ, quả…
Nên ăn bữa phụ thế nào?
Bữa phụ của bé cần có sự cân đối thành phần dinh dưỡng và chế độ ăn phù hợp chứ không phải thích cho ăn gì cũng được. Bạn phải tập cho trẻ ăn đúng bữa vì nó rất quan trọng với sự phát triển, không cho ăn vặt nhiều thứ trong ngày.
Các món ăn phụ có thể là bánh, hoa quả, sữa chua, phô mai… nhưng số lượng vẫn phải ăn đủ trong một bữa, tùy theo lứa tuổi con bạn.
Thời gian cho trẻ ăn bữa phụ thế nào?
Bữa ăn phụ của trẻ phụ thuộc vào các bữa ăn chính, không cần cố định đúng theo giờ đó mà nên có một giờ riêng cho con. Nếu cho ăn bữa phụ thì nên cách xa bữa chính ít nhất 1-1,5 tiếng, giúp cho trẻ hấp thu bữa ăn chính tốt hơn.
Bạn nhớ một nguyên tắc là cho ăn giờ nào cũng được nhưng bữa chính tiếp theo đó không được gần với bữa phụ.
Bữa phụ có thể nấu một lượt để ngăn mát hoặc trữ đông ăn 2-3 ngày không?
Nhiều mẹ không đủ thời gian để nấu ăn cho con nên thường chọn cách trữ đông thức ăn cho con.
Song, khi muốn trữ đông thức ăn cho con thì bạn không nên trộn tất cả thức ăn vào nhau để nấu cùng, mà nên làm riêng từng loại thức ăn.
Ví dụ rau thì không nên nấu, mà chỉ nên sơ chế bằng cách xay nhỏ chia từng bữa, đến bữa nào thì mang ra rã đông và nấu. Cháo ninh riêng, thịt làm riêng. Nếu thức ăn trộn lẫn với nhau khi nấu, bất kỳ nhiệt độ sôi hay lạnh thì cũng biến chất và mùi.
Vì vậy, các mẹ nên chế biến sẵn các nguyên liệu, sau đó có thể làm chín cùng gạo và thịt khi muốn cho trẻ ăn. Đây là cách tận dụng lượng chất dinh dưỡng tốt nhất, mà mùi vị cũng thơm ngon hơn.
Chúc các mẹ có hành trình bên con vẹn tròn, nhiều yêu thương.