Bệnh chàm sữa (hay còn gọi là viêm da cơ địa) thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh khi trẻ được 2 tháng tuổi, đây là tổn thương trên da mãn tính có thể gây ra biến chứng nguy hiểm nếu như không chăm sóc và điều trị đúng cách.
- Bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh là gì?
Bệnh chàm sữa hay còn gọi là lác sữa là một dạng của bệnh chàm thể tạng, thường gặp ở trẻ sơ sinh từ 2 tháng tuổi. Đây là tình trạng viêm da mãn tính, không lây, do trẻ có cơ địa dị ứng hoặc do di truyền. Bệnh có thể kéo dài đến khi trẻ 2 tuổi với những tổn thương điển hình xuất hiện ở hai bên má.
Bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh được phân thành 3 cấp độ:
- Cấp tính: Vùng da tổn thương với những mụn nước màu đỏ hồng, có chứa dịch, gây ngứa.
- Mãn tính: Vùng da bị tổn thương thành từng mảng, khô rát, dày, tróc vảy, sắc tố da thay đổi sau khi bị viêm.
- Bán cấp: Tổn thương ở giai đoạn trung gian giữa cấp tính và mãn tính.
- Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay bị bệnh chàm sữa?
Cho đến nay nguyên nhân gây bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh vẫn chưa được xác định rõ, tuy nhiên các yếu tố sau được xem là nguy cơ khởi phát bệnh và có thể khiến bệnh nặng hơn:
- Di truyền, cha mẹ mắc các bệnh dị ứng như hen suyễn, dị ứng da, thời tiết, …
- Cơ địa dị ứng
- Da khô, không được đảm bảo độ ẩm, thường xuyên tắm rửa nhiều làm mất cân bằng độ ẩm trên da.
- Sống trong môi trường ô nhiễm hoặc tiếp xúc trực tiếp với các chất gây dị ứng như lông vật nuôi, khói bụi, khói thuốc lá, nấm mốc, phấn hoa, xà phòng, các chất tẩy rửa…
- Dị ứng thời tiết, khí hậu lạnh, nóng, khô thay đổi.
- Dị ứng thực phẩm như trứng, sữa, cũng có thể gây ra bệnh chàm sữa.
- Nhiễm các loại virus, vi khuẩn gây bệnh trên da.
- Dấu hiệu nhận biết chàm sữa
Có thể nhận biết bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh thông qua những dấu hiệu sau:
- Vị trí xuất hiện: hai bên má, trên mặt, có thể ở chân, tay và lan rộng trên toàn thân.
- Thương tổn trên da ban đầu là các nốt mẩn đỏ, nhỏ li ti, sau đó tiến triển thành mụn nước.
- Mụn nước khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu, khi bị trầy xước và vỡ sẽ tiết dịch, tiến triển đóng vảy.
- Sờ vào vùng da bị khô và đóng vảy ở trẻ sơ sinh bị bệnh chàm sữa sẽ thấy thô ráp, khô và căng.
- Các dấu hiệu khác có thể gặp kèm theo như dị ứng, viêm mũi, hen suyễn.
Khi thăm khám lâm sàng, cần chẩn đoán phân biệt chàm sữa với những bệnh viêm da khác như mề đay, chốc, vảy trắng… Cụ thể:
- Mề đay: Tổn thương trên da mặt là những nốt mẩn và phù, xuất hiện rải rác.
- Chốc: Vùng da bị tổn thương do mụn nước hoặc bóng nước, sau đó tiến triển thành mụn mủ. Mụn mủ bị vỡ và khô, đóng vảy dày màu vàng.
- Vảy trắng: Khác với bệnh chàm sữa, bệnh vảy trắng ở trẻ sơ sinh là những vùng da bị giảm sắc tố, có màu trắng, vảy mịn, xuất hiện ở má, tay và nửa thân trên.
Bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh sẽ thuyên giảm dần và có thể tự khỏi khi trẻ lớn hơn 1. Tuy nhiên, nếu khi trẻ lớn (sau 4 tuổi trẻ) mà vẫn chưa khỏi, bệnh thường kéo dài và hay tái phát, có thể biến chứng thành chốc, viêm da mụn mủ (giống thủy đậu) và tiến triển thành chàm.
- Cách chăm sóc trẻ bị chàm sữa tại nhà
Bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh rất dễ tái phát, đặc biệt khi trẻ tiếp xúc và bị dị ứng với thực phẩm hoặc thời tiết. Vì vậy khi được chẩn đoán bị chàm sữa, trẻ cần được chăm sóc và điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu.
Mục tiêu của điều trị bệnh chàm sữa chủ yếu là giảm ngứa, tránh nhiễm khuẩn, bội nhiễm trên da, bình thường hóa làn da và giúp hạn chế tái phát, cụ thể cha mẹ cần lưu ý những thông tin sau:
- Hạn chế tiếp xúc với các chất gây dị ứng, nguyên nhân gây bệnh.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn mua thuốc đúng.
- Không tự ý mua thuốc bôi chữa bệnh chàm sữa cho trẻ, đặc biệt là thuốc có chứa corticoid vì có thể làm teo da, nhiễm nấm, mất sắc tố da và khiến bệnh nặng thêm, thậm chí có thể gây suy thận.
- Không tự ý dùng các bài thuốc dân gian như đắp lá vì có thể khiến bệnh nặng thêm.
Cha mẹ cần lưu ý chăm sóc trẻ tại nhà với nguyên tắc sau:
– Vệ sinh tắm rửa:
- Tắm nước ấm, không quá 2 lần mỗi ngày, không quá 15 phút tắm.
- Dùng sữa tắm dịu nhẹ, pH trung tính hay acid nhẹ(5) hoặc Lactodiall.
- Lau khô sau tắm bằng khăn mềm, mịn. Không chà mạnh.
- Thoa chất dưỡng ẩm thường xuyên sau tắm 3 phút. Ngày 3-4 lần.
- Không lên để trẻ tiếp xúc với bột giặt, hoá chất, phấn rôm, nước hoa…
– Quần áo: Quần áo trẻ phải làm từ 100% coton giúp trẻ thông thoáng, không mặc đồ quá chật hay vải băng sợi len, sợi tổng hợp vì dễ gây kích ứng da.
– Tránh sướt da: Cắt ngắn móng tay của trẻ để tránh việc trẻ ngứa gãi gây nhiễm trùng da. Hoặc mang vớ găng tay cho trẻ hạn chế trẻ gãi.
– Không gian ở: Thông thoáng, sạch sẽ, không khói thuốc, nước hoa, động vật nuôi. Không để nhiệt độ phòng quá nóng, quá lạnh hay độ ẩm thấp
– Ăn uống: Cố gắng cho trẻ bú sữa mẹ trong thời gian lâu nhất, tối thiểu là 6 tháng sau khi sinh. Tránh cho trẻ ăn dặm quá sớm, độ tuổi trung bình và phù hợp để ăn dặm là khi trẻ được 6 tháng tuổi.Hạn chế hoặc tránh cho trẻ ăn những loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao hải sản, trứng, lạc, sữa và các chế phẩm từ sữa, … Vệ sinh nhẹ nhàng sạch sẽ sau mỗi lần bú hoặc ăn.