Trong sữa mẹ chứa kháng thể IgG cùng nhiều dưỡng chất quan trọng khác có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch cho trẻ tạo điều kiện giúp trẻ chống lại bệnh tật, phát triển khỏe mạnh.
1. Vì sao sữa mẹ có khả năng miễn dịch cao?
Sữa mẹ và đặc biệt là sữa non có chứa những chất dinh dưỡng thiết yếu đối với sự phát triển của trẻ. Lượng chất đạm trong sữa non cao gấp 10 lần trong sữa mẹ bình thường. Bên cạnh đó, trong sữa non có chứa thành phần quan trọng khác như vitamin, khoáng chất, enzyme, axit amin… Hơn nữa, các kháng thể trong sữa non có khả năng diệt vi khuẩn, virus độc hại và điều hòa hệ miễn dịch giúp cơ thể trẻ sơ sinh chống lại bệnh tật, phát triển và khỏe mạnh.
Trong sữa non có chứa các thành phần hòa tan và thành phần tế bào. Thành phần hòa tan bao gồm immunoglobulin (IgA – IgM IgG), lysozyme, lactoferrin, nhân tố nhị phân, các enzym và các chất điều khiển miễn dịch khác. Thành phần tế bào bao gồm macrophage (chứa IgA, lysozyme và lactoferrin) tế bào lympho, bạch cầu hạt trung tính và các tế bào biểu mô. Các thành phần này tập trung rất cao ở sữa non và giảm đi ở sữa mẹ trưởng thành.
IgA trong sữa mẹ có tác dụng bao phủ niêm mạc ruột làm cho nó không bị các mầm bệnh thâm nhập vào. Khi các loại vi khuẩn nguy hại xâm nhập vào cơ thể của trẻ, các kháng thể IgA sẽ bao bọc các độc tố vi khuẩn và các kháng nguyên với phân tử lớn (macromolecular antigen) do vậy ngăn chặn sự tiếp cận của chúng với biểu mô.
Lysozyme là một enzym có đặc tính tiêu diệt vi khuẩn và chống lại một số virut, ở sữa mẹ có hàm lượng lớn hơn 5.000 lần so với sữa bò.
Lactoferrin là một loại glycoprotein bọc sắt chưa bão hòa, bảo vệ sắt chống lại các vi sinh vật sống phụ thuộc sắt, do đó đây là loại kìm khuẩn. Lactoferrin trong sữa mẹ chịu được những hoạt động phân giải protein mà các loại sữa công thức hiện nay không làm được.
Lactoferrin có trong sữa mẹ
Nhân tố nhị phân được đề cập trong các thành phần hòa tan, đó là một carbohydrate chứa nitơ, dễ bị thủy phân bởi nhiệt, nó tăng cường hấp thu ở ruột nhờ các lactobacilli với sự có mặt của lactose. Kết quả, nồng độ pH thấp ở lòng ống ruột sẽ làm ức chế sự phát triển của E.Coli vi khuẩn Gram (-) và các loại nấm như Candida albican.
Hoạt động của các cấu phần tế bào của sữa mẹ còn chưa được rõ. Mức tập trung cao nhất là các đại thực bào, tiếp đến là tế bào lympho và bạch cầu hạt trung tính. Những tế bào ngăn ngừa sự lây nhiễm bằng cách tổng hợp thực bào (bạch huyết cầu) và sự tiết ra các chất miễn dịch có mức độ cao đặc trưng nào đó với các vi sinh vật mà người mẹ tiếp xúc.
Tuy nhiên, các bà mẹ cần chú ý khi trẻ trong độ tuổi từ tháng thứ 3 tới tháng thứ 6, nồng độ các kháng thể đặc biệt là IgG giảm xuống rất nhanh, chỉ còn khoảng 20%. Vì vậy trong khoảng thời gian này, trẻ rất dễ rơi vào giai đoạn khoảng trống hệ miễn dịch bởi kháng thể trong dinh dưỡng sữa mẹ không đáp ứng đủ. Lúc này hệ miễn dịch của cơ thể chưa phát triển thêm vào đó là sự tăng tiếp xúc với vi sinh vật ở môi trường ngoài nên dễ dẫn đến tình trạng ốm và thường xuyên mắc các bệnh về đường tiêu hoá, hô hấp…
Vì vậy, theo các chuyên gia, trong những năm đầu đời, ngoài sữa mẹ trẻ cũng cần được bổ sung thêm kháng thể để bảo vệ và tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại được mọi bệnh tật và duy trì sức khỏe tốt.
2. Những biện pháp tăng cường khả năng miễn dịch cho trẻ
2.1. Kéo dài thời gian bú sữa mẹ
Việc trẻ được bú sữa mẹ có tác dụng phòng ngừa những bệnh như: viêm tai, dị ứng, tiêu chảy…và chứa lượng kháng thể phong phú.
Theo khuyến cáo từ các chuyên gia y tế các bà mẹ hãy cho con bú sữa mẹ trong một năm đầu sau khi sinh, hoặc ít nhất là trong 2-3 tháng đầu bởi sữa mẹ có thành phần là rất nhiều kháng thể quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ.
2.2. Ngủ đủ giấc
Gia đình cần chú ý tạo cho trẻ giấc ngủ sinh lý đủ dài. Giấc ngủ tốt nhất nên kéo dài 18 tiếng đối với trẻ mới sinh, 12- 13 tiếng với trẻ trong thời kỳ 1-3 tuổi và 10 tiếng với trẻ 4- 6 tuổi.
Giấc ngủ trưa của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ kéo dài bao lâu?
Cha mẹ cần đảm bảo trẻ được ngủ đủ giấc
2.3. Tăng cường dinh dưỡng từ hoa quả và rau xanh
Những loại hoa quả như: Cà rốt, các loại đậu đỗ, cam, dâu tây giúp tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ. Bên cạnh đó, việc bổ sung dinh dưỡng từ hoa quả và trái cây còn có tác dụng tăng cường sản xuất chất chống viêm tế bào máu trắng và interferon-ngăn chặn virus trên bề mặt tế bào. Hơn nữa, trong thực phẩm của trẻ có chứa dinh dưỡng thực vật phong phú sẽ tăng cường khả năng phòng ngừa những bệnh không lây mãn tính, tim và ung thư trong tương lai. Chuyên gia khuyến nghị: Nên cho trẻ ăn 5 loại rau quả theo liều lượng mỗi ngày
Đối với trẻ sơ sinh 1 phần tương đương 2 thìa 15ml
Đối với trẻ lớn hơn là 1 cốc 236.6ml
2.4. Tăng cường tham gia các hoạt động ngoài trời
Tắm nắng và hít thở không khí trong lành: Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng với việc tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Trẻ sau khi đầy tháng có thể tiến hành tắm nắng theo tháng tuổi. Tắm nước, tắm nắng và không khí trong lành giúp trẻ có cơ hội điều hòa cơ thể thích ứng với nhiệt độ bên ngoài, rèn luyện khả năng đề kháng.
Tăng cường khả năng chống lạnh cho trẻ: Bằng cách dùng khăn ngâm trong nước thường, vắt khăn không quá khô lau phần mặt mũi và vùng quanh mũi cho trẻ, mỗi ngày 3-4 lần, mỗi lần 3-5 phút. Phương pháp là cách giúp mũi trẻ không bị khô và giúp trẻ thích ứng với không khí lạnh. Hãy làm việc này trước khi cho trẻ ra ngoài.