Thời tiết nóng bức, mồ hôi trẻ tiết ra nhiều nhưng các ống tuyến mồ hôi ở trẻ phát triển chưa hoàn chỉnh nên mồ hôi không thoát ra ngoài hết và bị ứ đọng lại. Mặt khác, ống bài tiết dễ bị bụi hay ghét bít kín khiến làn da nổi lên nhiều sẩn nhỏ lấm tấm màu hồng. Rôm sảy thường xuất hiện ở những vùng da có nhiều mồ hôi, như cổ, ngực, lưng, các nếp gấp của cơ thể trẻ với các biểu hiện như nổi mụn nước dưới da. Những nốt mẩn đỏ này thường gây ngứa ngáy khó chịu cho trẻ.
Đa số trẻ chỉ bị rôm sảy khi nóng, còn khi thời tiết mát mẻ, rôm tự lặn hết, không gây tác hại gì. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp mụn rôm làm trẻ ngứa, gãi nhiều làm da sây sát, bị nhiễm khuẩn thêm thành những mụn mủ và nhọt.
Có 3 dạng rôm sảy ở trẻ:
• Rôm dạng tinh thể (miliaria crystalina) thường xảy ra ở trẻ nhỏ do chậm phát triển các ống tuyến mồ hôi. Loại rôm sảy này không biểu hiện viêm, thường xảy ra do sốt cao và để lại các mảng da bị bong khi đã dứt bệnh.
• Rôm đỏ (miliaria rubra) thường xảy ra do thời tiết nóng ẩm.
• Rôm sâu (miliaria profunda) xảy ra do tuyến mồ hôi bị tổn hại nặng, thường sau khi bị rôm sảy đỏ kéo dài.
Các triệu chứng rôm sảy ở trẻ:
• Xuất hiện các mụn nước dưới da
• Cơ thể nổi mẩn đỏ và ngứa
• Bé khóc nhiều, bức rứt, khó chịu
Cách điều trị rôm sảy ở trẻ
- Điều trị rôm sảy hữu hiệu nhất là làm giảm tiết mồ hôi bằng phương pháp điều hòa nhiệt độ: máy lạnh, quạt thông khí, mặc áo quần thoáng mát và hạn chế vận động. Khi da bị làm mát lạnh, rôm sảy sẽ biến mất nhanh chóng.
- Dạng rôm sảy nhẹ không cần phải điều trị nhưng ở các dạng nặng hơn đôi khi cần phải được điều trị bằng các loại thuốc bôi để giảm cảm giác khó chịu và ngăn ngừa biến chứng.
Điều trị rôm sảy bằng các phương pháp dân gian
Trong trường hợp trẻ bị rôm sảy, cha mẹ nên tham khảo bác sĩ chuyên khoa nhi hay bác sĩ chuyên da liễu để có chỉ định điều trị thích hợp.
Bên cạnh đó, cha mẹ có thể tham khảo các phương pháp dân gian để tắm cho bé. Một số loại lá có chứa chất kháng sinh, giúp sát trùng, kháng khuẩn có thể dùng đun nước cho trẻ tắm trị một số bệnh ngoài da.
Lá chè xanh
Cha mẹ có thể thực hiện như sau: Rửa sạch lá chè xanh tươi rồi cho vào nồi nước đun. Dùng nước lá chè xanh tắm cho bé giúp làn da của trẻ dịu đi, đồng thời với chức năng kháng khuẩn tốt.
Mướp đắng
Mướp đắng được xem là bài thuốc chữa rôm sảy cho trẻ rất hiệu quả.
Cha mẹ giã hoặc xay nhỏ trái mướp đắng rồi cho nước lọc vào và lọc lấy nước mướp đắng nguyên chất. Sau đó, bạn hòa hỗn hợp này vào nước và tắm cho trẻ.
Lá tía tô
Lá tía tô cũng thường được sử dụng để điều trị rôm sảy cho bé
Các mẹ có thể lấy lá tía tô rửa sạch, cho vào cối giã nát để lấy nước cốt chấm lên toàn bộ vùng bị rôm sảy vài lần mỗi ngày. Để nước cốt tía tô trong khoảng 10-15 phút cho khô bề mặt rồi đi tắm lại hoặc lau bằng nước ấm cho trẻ.
Lá kinh giới
Lá kinh giới có mùi thơm dễ chịu, vị cay, tính ấm, có chứa tới 1% tinh dầu, trong đó có nhiều hoạt chất sinh học có tác dụng chữa bệnh. Đây là loại lá có nhiều kháng sinh tự nhiên nên có tác dụng sát khuẩn tốt, làm sạch da.
Cách dùng như sau: Rửa sạch lá kinh giới và lá đậu ván để cho vào nồi đun nước tắm cho bé hàng ngày.
Lá khế
Khế có vị chua, có tác dụng tán nhiệt giải độc, được dùng để chữa trị các loại mụn nhọt, mề đay, ngứa do dị ứng…
Cách trị rôm sảy ở trẻ sơ sinh từ phương pháp dân gian này khá hiệu quả. Bạn lấy một nắm lá khế, tách bỏ các phần thừa của lá rồi đem rửa sạch và cho vào nồi đun sôi cùng một ít muối. Sau khi đun sôi khoảng 5 phút thì bạn bỏ bã và chắt nước ra chậu lớn, pha cùng với nước lạnh sao cho nước đủ ấm để tắm cho bé.
Lá dâu tằm
Lá dâu tằm có tác dụng tản nhiệt. Các mẹ có thể thực hiện như sau: Lá dâu tằm sau khi đem về, ngâm với nước muối rồi rửa sạch để loại bỏ những thành phần bụi bẩn. Sau đó, cho tất cả lá vào trong một túi vải lớn bỏ vào nồi đổ đầy nước. Đợi nước sôi thì tắt bếp để tầm 15 phút cho nước chuyển thành dạng ấm hoặc pha loãng với nước lạnh rồi tắm cho trẻ.
Lưu ý khi trị rôm sảy bằng phương pháp dân gian
Nhưng ở trẻ có làn da nhạy cảm hoặc có tiền căn dị ứng thì bất cứ thứ gì tiếp xúc với da trẻ cũng nên thử trước, nếu như vài giờ sau khi thử trước ở một vùng cánh tay không thấy dị ứng, nổi đỏ thì các mẹ có thể sử dụng cho trẻ. Cùng với đó các mẹ cũng nên lưu ý một số điều sau:
• Các mẹ cần phải xác định được trẻ thuộc loại da gì, có nên tắm lá hay không để có thể lựa chọn được loại lá phù hợp để tắm.
• Cần tắm cho trẻ bằng sữa tắm chuyên dụng trước vì các loại lá này không thể hòa tan chất nhờn trên da, chúng chỉ có thể làm mát hoặc cung cấm kháng sinh tự nhiên.
• Cha mẹ phải ngâm rửa nước muối hoặc thuốc tím thật sạch trước khi xay, giã hoặc đun nấu. Bởi các loại lá này chứa nhiều bụi bẩn, vi khuẩn gây hại, thậm chí có thể là thuốc trừ sâu trên mặt lá. Hơn thế nữa, một số loại lá còn có lông tơ, có thể gây kích ứng da của trẻ.
• Không thêm quá nhiều muối hoặc chanh vào nước tắm của con. Điều này có thể làm trẻ bị xót, dễ làm kích ứng da của con hơn. Cũng không được đun nước lá quá đặc vì lượng tinh bột của lá có thể đọng lại trên da con, gây nhiễm khuẩn, viêm da, dị ứng da.
• Sau khi tắm xong,cha mẹ nên tráng lại bằng nước ấm cho con để rửa trôi lượng bột của lá có thể còn đọng lại trên da trẻ, gây nhiễm khuẩn.
• Không tắm nước lá cho trẻ khi da con có dấu hiệu bị trầy xước, mưng mủ, sưng đỏ, viêm nặng. Bởi khi da đã trong tình trạng này thì da đã mất lớp màng bảo vệ, việc tắm lá dù đã qua đun nấu vẫn có thể tăng nguy cơ vi khuẩn xâm nhập, làm tình trạng, nhiễm trùng tăng lên và có thể gây những biến chứng nguy hiểm.
Một số cách phòng ngừa để bé không bị rôm sảy
Phòng ngừa trên nguyên tắc là cho cơ thể mát mẻ, thoáng khí, hạn chế mồ hôi tiết ra, chống viêm da.
-Cho trẻ ở nơi thoáng mát, thông gió. Không nên cho trẻ ra ngoài vào thời điểm từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều vì đây là khoảng thời gian tia cực tím hoạt động mạnh mẽ nhất. Cần tránh cho trẻ đến những nơi đông đúc, ngột ngạt.
-Quần áo, tã lót dùng loại vải sợi, mỏng, thấm mồ hôi. Không nên ủ bé quá kỹ hay mặc quá nhiều quần áo cho bé.
-Thường xuyên tắm cho trẻ giúp cơ thể sạch sẽ, các lỗ chân lông không bị bít kín.
-Tránh làm trầy xước các vết rôm sảy, bởi lẽ khi bị trầy xước da, dễ dẫn đến nhiễm trùng da. Có thể dùng phấn rôm cũng làm cho da được khô, chống viêm và thoáng mát.
-Uống đủ nước, nếu có thể chọn các loại nước thanh nhiệt như: nước sắn dây, nước sài đất, đỗ đen, rau má,….
-Trường hợp trẻ bị rôm sảy nặng, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và chỉ định điều trị phù hợp.